Giới thiệu về tôi

Hà Nội, Vietnam
Luật sư thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Trước khi làm Giám đốc công ty luật Long Hà là thành viên sáng lập của công ty luật hợp danh V.I.P

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP


Doanh nghiệp Việt Nam đón nhận Trọng tài như thế nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
1.Doanh nghiệp Việt Nam biết đến Trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà Việt Nam thành lập Hội đồng Trọng tài Ngoại thương năm 1963 và Hội đồng Trọng tài Hàng Hải 1964 bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đến năm 1993 hai tổ chức trọng tài này được hợp nhất thành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nan (VIAC) và tồn tại cho đến ngày nay.
Trong suốt thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ 20 thương mại quốc tế của Việt Nam chủ yếu được tiến hành bởi các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam với các đối tác nước ngoài cũng là những doanh nghiệp của các nước thuộc phe XHCN trong khuôn khổ Hội đồng Tưong trợ Kinh tế. Việc tranh chấp thương mại phát sinh từ các hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa, một loại Hiệp định thương mại song phương mà thời đó các nước trong phe XHCN ký kết với nhau. Việc thi hành phán quyết của trọng tài cũng được thực hiện thông qua Hiệp định tương trợ tư pháp song phương giữa các quốc gia. Trên thực tế các tranh chấp đều được các bên giải quyết chủ yếu thông qua thương lượng, hòa giải mà hầu như không sử dụng đến tố tụng Trọng tài theo đúng nghĩa của nó.
2. Hàng loạt các nước Đông Âu nằm trong phe XHCN và Liên xô bị sụp đổ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Từ năm 1992, khi mà Hiến Pháp Việt Nam được sửa đổi. Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ngoài thành phần kinh tế Quốc doanh và HTX thì các thành phần kinh tế khác cũng được Nhà nước thừa nhận. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH ra đời. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài cũng phát triển mạnh góp phần phát triển thương mại và đầu tư ở Việt Nam.
Trước sự phát triển kinh tế không ngừng, cùng với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và nhất là trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài thu hút được sự quan tâm thực sự của các Doanh nghiệp Việt Nam.
3. Một hợp đồng thương mại quốc tế thường khác hợp đồng thương mại trong nước ở những điểm sau: một là chọn luật áp dụng; hai là chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.
Như vậy việc chọn luật nào để điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế và chọn Trọng tài nào để giải quyết các tranh chấp là tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên, nhưng thông thường cho thấy:
Thứ nhất: Những hợp đồng lớn hoặc hợp đồng mà phía đối tác nước ngoài bao giờ cũng muốn chọn luật nước ngoài hay luật quốc tế làm luật áp dụng và một tổ chức trọng tài Quốc tế như Tòa án Trọng tài Quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), hoặc các tổ chức trọng tài quốc tế có uy tín như: Tòa án Trọng tài Anh, Trọng tài Singapore, Trung tâm Trọng tài HongKong….. để xét xử các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.
Thứ hai: Đối với các hợp đồng nhỏ, vừa. Để tiện lợi, đỡ tốn kém chi phí kiện tụng thì các bên thường lựa chọn Trọng tài Việt Nam (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Trung tâm Trọng tài Thái Bình Dương….) làm nơi xét xử tranh chấp phát sinh và đôi khi các bên lựa chọn luật Việt Nam làm luật áp dụng.
4. Doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan đến thương mại quốc tế. Nếu chọn Trọng tài trong điều khoản giải quyết tranh chấp thì chọn Trọng tài nào? Điều đó tùy thuộc vào vị trí của họ trong tranh chấp thương mại: họ là nguyên đơn hay là bị đơn. Văn hóa kinh doanh, văn hóa pháp lý doanh nghiệp hay các ứng xử của họ càng thể hiện rõ hơn khi họ ở vào vị trí của bị đơn.
Từ thực tiễn giải quyết các tranh chấp thương mại, chúng tôi sẽ làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với Trọng tài bằng một số phân tích dưới đây:
4.1 Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam là Nguyên đơn.
- Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam tôn trọng cam kết hợp đồng, không vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong khi đối tác nước ngoài vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm hợp đồng, tức là phải đền bù thiệt hại cho bên doanh nghiệp Việt Nam thì bao giờ doanh nghiệp Việt Nam cũng đón nhận trọng tài một cách tích cực. Đây là một cách ứng xử bình thường trong thương mại quốc tế.
Ở vị trí nguyên đơn, doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầy đủ các bước tố tụng trọng tài ngay cả khi trọng tài đó tiến hành ở nước ngoài. Vì việc theo đuổi tố tụng trọng tài phù hợp với lợi ích của họ, có lợi cho họ.
- Phán quyết của trọng tài được tuyên bởi các trọng tài trong nước hay nước ngoài, nhìn chung đều được thực hiện thuận lợi hoặc bằng sự tự nguyện thi hành phán quyết của bị đơn (Doanh nghiệp nước ngoài) hoặc bằng cưỡng chế của Tòa án nước ngoài khi tòa án này công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài buộc bị đơn nước ngoài phải trả tiền đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện. Điều đó cho thấy rằng sự hợp tác hữu hiệu giữa các quốc gia thành viên của Công ước New York 1958 (Công ước này có trên 150 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam) về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.
4.2 Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam là Bị đơn.
- Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam vi phạm hợp đồng, không thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng và họ ở vào vị trí bị đơn trong tố tụng trọng tài thì có thể họ sẽ có những cách ứng xử như sau:
Nếu trọng tài được tiến hành ở Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam còn tham gia tố tụng trọng tài vì chi phí theo kiện thấp (Nếu trọng tài được tiến hành ở nước ngoài thì chi phí rất tốn kém).
Ngược lại, nếu trọng tài tiến hành ở nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam hầu như không có động thái tích cực đáng kể nào để tham gia tố tụng như: Không chỉ định trọng tài viên, không gửi văn bản trả lời trọng tài, không gửi bài bảo vệ (Luận cứ bảo vệ quyền lợi của mình), không đi dự phiên họp giải quyết trọng tài, và khi phán quyết trọng tài được tuyên vắng mặt họ thì họ cũng không tự nguyện thi hành phán quyết.
- Việc bị đơn không tham gia tố tụng trọng tài, không tự nguyện thi hành quyết định trọng tài cũng là điều dễ hiểu, điều này đôi khi cũng xảy ra đối với bị đơn nước ngoài. Nhưng điều đáng nói là Tòa án nước ngoài nơi có trụ sở của bị đơn nước ngoài bao giờ cũng tôn trọng Công ước New York 1958 và họ xem xét một cách thuận lợi việc công nhận phán quyết trọng tài của nước thứ ba và buộc bị đơn nước ngoài phải thi hành phán quyết. Điều đó cho thấy sự hỗ trợ của Tòa án trong việc đảm bảo thi hành phán quyết trọng, đem lại công lý cho nguyên đơn là doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện.
- Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Công ước New York 1958 nhưng trên thực tế Tòa án Việt Nam vẫn chưa tạo điều kiện cũng như xem xét một cách thuận lợi việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài buộc bị đơn là các doanh nghiệp Việt Nam thua kiện phải bồi thường cho nguyên đơn là các doanh nghiệp phía nước ngoài. Cho đến nay Tòa án Việt nam còn dựa vào những lý do không xác đáng để từ chối việc công nhận các phán quyết của trọng tài nước ngoài cho dù đó là phán quyết của ICC.
5. Thay lời kết:
Doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế. Khi đã ký kết thì doanh nghiệp Việt nam cần tôn trọng cam kết bằng việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Không nên vì giá cả tăng lên hay giảm xuống sau khi ký hợp đồng mà mình với tư cách là người bán hoặc với tư cách là người mua từ chối việc giao hàng, nhận hàng hoặc từ chối thanh toán để dẫn đến tranh chấp không đáng có.
Điều này cũng xảy ra đối với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên hiện tượng này rất hạn chế đối với thương nhân nước ngoài. Việc các thương nhân nước ngoài khi họ từ chối giao, nhận hàng hoặc từ chối thanh toán thường là họ có đủ căn cứ pháp lý trên cơ sở tôn trọng đạo đức kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ tham gia tố tụng trọng tài khi mình là nguyên đơn mà tham gia một cách đầy đủ ngay cả khi mình là bị đơn. Khi có phán quyết của trọng tài buộc mình phải trả tiền đền bù thiệt hại cho nguyên đơn nước ngoài thắng kiện thì mình cũng nên tự nguyện thi hành phán quyết, không nên nêu ra những lý do này hay lý do khác để từ chối thi hành phán quyết cho dù lý do đó nhất thời được Tòa án Việt Nam chấp nhận để từ chối công nhận các phán quyết trọng tài nước ngoài. Điều đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên trường Quốc tế. Tránh để tình trạng người nước ngoài hay doanh nghiệp nước ngoài khi họ làm ăn với chúng ta họ cho rằng sự tôn trọng pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam thấp hoặc không có văn hóa doanh nghiệp.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét