Giới thiệu về tôi

Hà Nội, Vietnam
Luật sư thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Trước khi làm Giám đốc công ty luật Long Hà là thành viên sáng lập của công ty luật hợp danh V.I.P

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN XỨNG.

Từ thực tiễn tham gia giải quyết các tranh chấp tại Toà án, Trọng tài. Chúng tôi thấy rằng: các tranh chấp liên quan đến Kinh doanh – Thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua phần bất lợi bao giờ cũng được “Ưu tiên” dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc không tương xứng trong các tranh chấp thương mại giữa những doanh nghiệp vừa và nhỏ với các Tập đoàn, Tổng công ty, các tổ chức Tài chính – Ngân hàng.
Thứ nhất là: Hầu như chưa có doanh nghiệp vừa và nhỏ nào của Việt Nam hiện nay sử dụng bộ phận pháp chế chuyên nghiệp để thẩm định, tư vấn các Hợp đồng mà doanh nghiệp mình tham gia ký kết. Có một số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ý thức được tầm quan trọng của việc có sự tham gia tư vấn pháp luật của những người có chuyên môn. Và các doanh nghiệp này cũng tự xây dựng cho mình bộ phận pháp chế. Tuy nhiên, việc có bộ phận pháp chế vẫn mang tính hình thức. Những chuyên viên pháp lý giúp việc cho các doanh nghiệp này họ chỉ có lý thuyết về pháp luật tích luỹ được trong quá trình học ở trường đại học; còn kinh nghiệm thực tiễn về kinh doanh – thương mại, kỹ năng nghề nghiệp còn thiếu. Do đó khi tham gia tư vấn, đàm phán hợp đồng hoặc giải quyết các tranh chấp không tránh khỏi những hạn chế. Trong khi đó, các Tập đoàn, Tổng công ty, tổ chức Tài chính – Ngân hàng bao giờ cũng có bộ phận pháp chế chuyên nghiệp của doanh nghiệp; hoặc họ thuê các hãng luật, các chuyên gia pháp lý có uy tín, có kinh nghiệm để giúp cho bộ máy quản trị trong việc tư vấn, đàm phán, thương thảo, trước khi ký kết Hợp đồng kinh tế với các đối tác. Chính vì vậy, khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến Hợp đồng thì phần lợi bao giờ cũng thuộc về các Tập đoàn, Tổng công ty, tổ chức Tài chính – Ngân hàng.
Thứ hai là: Do một thời gian dài nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế bao cấp “Kế hoạch hoá”. Doanh nghiệp không được tự chủ trong hoạt động SX-KD của mình. Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Cho ai?; từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng đều do Nhà nước điều hành. Chính từ những thói quen hình thành từ nhiều năm, qua nhiều thế hệ cho đến nay nó vẫn còn tồn tại và bị ảnh hưởng đến tư duy của những nhà quản lý doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình.
Thứ ba là: Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình hoạt động chưa xây dựng được văn hoá pháp lý cho doanh nghiệp của mình . Họ chỉ nghĩ đến việc làm sao doanh nghiệp của mình ký kết được càng nhiều hợp đồng càng tốt; còn việc có thực hiện được các cam kết hay hay nghĩa vụ hay không thì họ bỏ mặc; hoặc hợp đồng có bất lợi gì cho doanh nghiệp họ cũng không quan tâm. Nếu có vướng mắc đến đâu thì giải quyết đến đó. Chỉ đến khi các doanh nghiệp này bị khởi kiện tại Toà án, Trọng tài thì họ mới tìm đến công ty luật hoặc các luật sư. Có những hợp đồng; vụ kiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay từ đầu nếu có sự tham gia tư vấn của các hãng luật hoặc của luật sư thì họ sẽ không bị thua thiệt. Chỉ đến khi bị thua kiện rồi các doanh nghiệp này mới ngộ ra thì sự việc đã rồi.
Thiết nghĩ, để giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự bảo vệ mình trong thời kỳ hội nhập thì:
- Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc tuyên truyền phố biến kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, các CLB doanh nghiệp; trên các phương tiện thông tin đại chúng…
- Bản thân các doanh nghiệp cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách:
Một là: Cần phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp; cụ thể là phải xây dựng cho mình một đội ngũ pháp chế chuyên nghiệp phải có bản lĩnh, đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng tham gia đàm phán và giải quyết các tranh chấp;
Hai là: Thông qua các công ty luật, văn phòng luật sư có uy tín để được cung cấp các dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét