Giới thiệu về tôi

Hà Nội, Vietnam
Luật sư thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Trước khi làm Giám đốc công ty luật Long Hà là thành viên sáng lập của công ty luật hợp danh V.I.P

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

LÃI SUẤT

BÀN VỀ LÃI SUẤT TRONG HẠN, LÃI QUÁ HẠN, LÃI PHẠT TRONG
HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG DƯỚI CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ
Trong thời gian qua, các vụ tranh chấp liên quan đến Hợp đồng Tín dụng (HĐTD) tại Tòa án ngày càng tăng. Nhiều HĐTD bị Tòa án tuyên vô hiệu, hoặc một điều khoản của HĐTD bị vô hiệu (Chủ yếu là điều khoản về Lãi suất, Lãi suất quá hạn và Lãi phạt).
Trên thực tế, những HĐTD bị vô hiệu về điều khoản Lãi suất, Lãi quá hạn, Lãi phạt mà chưa xảy ra tranh chấp hoặc không được đưa ra phân xử ở Tòa án mà các bên vẫn tiếp tục thực hiện còn rất nhiều. Một trong những lý do, đó là Ngân hàng cố tình “lờ” đi điều khoản vô hiệu; hoặc do bộ phận nghiệp vụ của Ngân hàng còn non kém; do Bên đi vay bị phụ thuộc vào ngân hàng nên họ không quan tâm đến điều khoản này, và hoặc Bên đi vay cũng không biết những quy định của pháp luật về cho vay tài sản, lãi suất cho nên họ mặc nhiên chấp nhận điều khoản vô hiệu này.
Để giúp cho doanh nghiệp, cá nhân những người có nhu cầu vay vốn tại các tổ chức tín dụng hiểu được về lãi suất; cách tính lãi suất quá hạn, lãi phạt trong HĐTD theo đúng các quy định của pháp luật, tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số vấn đề liên quan đến lãi suất.
Lãi suất là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt (Năm 2000) của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: “Lãi suất (d). Là tỷ lệ phần trăm giữa lãi so với vốn”.
Hiểu theo lĩnh vực tài chính ngân hàng thì: Lãi suất là giá mà người vay phải trả cho người cho vay để được sử dụng một khoản tiền nhất định trong một thời gian nhất định. Lãi suất cao hay thấp là do thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay. Tuy nhiên lãi suất không phải muốn cao bao nhiêu cũng được mà nó bị khống chế bởi các quy định của pháp luật (nói cách khác là nó có tỷ lệ nhất định do Nhà nước quy định trong từng thời kỳ).
1. Quy định của pháp luật về “Lãi suất”:
1.1 Quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về lãi suất:
- Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
….
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
- Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng
2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điẻm trả nợ.

1.2 Một số quy định về Lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua:
- Quyết định 241/2000/QĐ-NHNN ngày 02/8/2000 của Ngân hàng Nhà nước về việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cho vay của Tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Theo đó, cơ chế trần lãi suất cho vay được thay thế bằng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản với nội dung: TCTD ấn định lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo nguyên tắc lãi suất cho vay không vượt quá mức lãi suất cơ bản + biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trong từng thời kỳ. NHNN công bố lãi suất cơ bản dựa trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của 04 Ngân hàng thương mại (Bao gồm:02 NHTM Nhà nước và 02 NHTM Cổ phần). Lãi suất cơ bản + biên độ được công bố định kỳ hàng tháng, trong trường hợp cần thiết thì NHNN sẽ công bố điều chỉnh kịp thời.
- Quyết định 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002 của Ngân hàng Nhà nước quy định: Thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng. TCTD xác định lãi suất cho vay trên cơ sở cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm đối với khách hàng là cá nhân, pháp nhân. NHNN tiếp tục công bố lãi suất cơ bản cho vay. Như vậy, tại quyết định này NHNN đã bãi bỏ quy định các TCTD phải ấn định lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản + với biên độ do NHNN công bố. Đây là cơ chế lãi suất thỏa thuận, nó giúp cho các TCTD linh hoạt và tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh của mình trong suốt một thời gian dài (Từ năm 2002 đến 2008). Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, hàng loạt các tổ chức Tài chính-Ngân hàng của Hoa Kỳ và các nước có nền kinh tế mạnh trên thế giới sụp đổ và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng đó. Từ đầu năm 2008, tình hình huy động vốn của các TCTD gặp phải khó khăn một số ngân hàng thương mại bắt đầu có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng khả năng thanh khoản. Vì vậy, hàng loạt các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất huy động tiền gửi, từ đó lãi suất cho vay cũng tăng theo, và cuộc đua tăng lãi suất có vẻ như không có điểm dừng.
Ngày 16/5/2008, NHNN đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN, quy định việc điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh. Theo đó, các TCTD ấn định mức lãi suất huy động, lãi suất cho vay bằng đồng Việt nam không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố và quyết định này thay thế quyết định 546/2002.
2. Quy định về Lãi suất trong hạn, lãi suất quá hạn và lãi phạt trong các hợp đồng tín dụng hiện nay: Ngân hàng với tư cách là một tổ chức kinh doanh tiền tệ. Vì vậy ngân hàng vừa là người đi vay đồng thời cũng là người cho vay. Các ngân hàng dựa vào mức độ tín nhiệm, khả năng tài chính, phương án kinh doanh của người vay có thể chấp nhận cho người vay hưởng một mức lãi suất ưu đãi. Ngược lại, nếu khách hàng quản lý kém, ngân hàng đánh giá không cao mức độ tín nhiệm của người đi vay với ngân hàng, những khoản vay theo nhận định của ngân hàng có nhiều rủi ro thì phía ngân hàng có thể sẽ ấn định mức lãi suất cho vay cao hơn. Đồng thời để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng trong việc trả nợ các khoản vay đúng hạn thì trong HĐTD bao giờ các ngân hàng cũng đưa ra một điều khoản “Lãi suất quá hạn; Lãi suất phạt do chậm trả lãi”. Mức lãi suất quá hạn, lãi suất phạt bao giờ cũng lớn hơn lãi suất trong hạn.
Đã bao giờ bạn phải đi vay tài sản chưa?
Bạn đã nhìn thấy một điều khoản nào như ví dụ dưới đây trong HĐTD mà mình ký kết với ngân hàng. Bạn hiểu những điều thỏa thuận đó như thế nào khi có tranh chấp xảy ra.
Ví dụ 1:
Điều 3. Phương thức tính lãi:
- Lãi suất vay 1.0% /tháng + Biên độ 0.27% /tháng (mức lãi suất này được ngân hàng tính từ ngày giải ngân lần đầu và được điều chỉnh 01 năm/1lần vào ngày 02/01 hằng năm….).
- Lãi suất quá hạn bằng 1,5 lần lãi suất vay trong hạn.
- Lãi suất phạt: bằng 1,5 lần lãi suất vay trong hạn xác định tại thời điểm chuyển quá hạn trên phần lãi vay chậm trả và số ngày thực tế chậm thanh toán.
Ví dụ 2:
Điều 5. Lãi suất – Phí:
- Lãi vay trong hạn: lãi suất vay ngày hoặc tháng theo lãi suất cho vay đối với tổ chức, cá nhân được ngân hàng công bố trên Website hoặc thông báo bằng văn bản.
- Lãi quá hạn là: 150% lãi suất trong hạn. Bên được cấp tín dụng không trả nợ đúng hạn, lãi suất nợ quá hạn được tính theo quy định của hợp đồng này.
- Lãi phạt = 150% lãi suất vay trong hạn x số ngày chậm trả x số tiền lãi chậm trả.
Như vậy, khi HĐTD có tranh chấp xảy ra thì ngân hàng sẽ tính toán các khoản lãi phải trả bao gồm: lãi vay trong hạn trên nợ gốc, lãi suất quá hạn, lãi phạt; đưa ra yêu cầu buộc người vay phải trả các khoản lãi trên. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề trên dưới góc độ pháp lý khi giải quyết tranh chấp:
- Trước ngày Quyết định 16/2008 của NHNN có hiệu lực, nghĩa là khi lãi suất mà các TCTD đang áp dụng cho các HĐTD được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận theo quyết định 546/2002/QĐ-NHNN cho nên hầu hết các TCTD đều không quan tâm đến quy định của Bộ luật Dân sự 2005 khi ấn định lãi suất cho vay. Vì vậy có sự không thống nhất giữa quy định của Bộ luật Dân sự với Luật NHNN, Luật các TCTD và các quyết định của NHNN nên trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp lãi suất cho vay “cao” hơn rất nhiều so với mức 150% lãi suất cơ bản (có thời điểm lãi suất cơ bản NHNN công bố là 8%/năm nhưng lãi suất cho vay từ khoảng 19%-21% tùy từng ngân hàng). Mức lãi suất này đã vượt quá mức 150% được quy định tại Bộ luật Dân sự (Điều 476) và hầu như tất cả các ngân hàng đều vi phạm quy định nêu trên. Hậu quả pháp lý xảy ra là gì?
2.1 Trường hợp HĐTD có điều khoản Lãi suất lớn hơn 150% lãi suất cơ bản:
Trường hợp này xảy ra khá phổ biến trước ngày 19/5/2008, ngày mà Quyết định 16/2002 của NHNN có hiệu lực. Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) nếu Hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật thì Hợp đồng đó bị vô hiệu (Điều 122; 127-Bộ luật DS). Trong trường hợp này thì HĐTD bị vô hiệu do vi phạm điều cấm và hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là các bên phải trả cho nhau những gì đã nhận (Khoản 2 Điều 137 BLDS). Tuy nhiên, Điều 135 Bộ luật Dân sự cũng quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần: “ Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. HĐTD là một loại hợp đồng song vụ có nhiều điều khoản, trong đó có nhiều quyền và nghĩa vụ của các bên, và lãi suất chính là một điều khoản đó. Vì vậy, khi lãi suất ghi trong hợp đồng cao hơn quy định trong Bộ luật Dân sự thì chỉ có điều khoản lãi suất vô hiệu, các điều khoản còn lại của hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Trong trường hợp này các bên có thể suy diễn theo cách riêng của mình:
Cách thứ nhất là trên góc độ của người đi vay sẽ cho rằng HĐTD đã vi phạm điều cấm của pháp luật (theo Điều 122; Điều 476 - Bộ luật Dân sự) thì HĐTD này vô hiệu. Vì HĐTD là một loại hợp đồng đặc biệt, trong đó điều khoản lãi suất là điều khoản hết sức quan trọng (nó là mục đích, quyền lợi cao nhất mà bên vay mong muốn và có được). Do đó hậu quả mà ngân hàng phải nhận không khác gì toàn bộ HĐTD bị vô hiệu nghĩa là “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu” điều khoản lãi suất, thì ngân hàng sẽ không nhận được lãi.
Cách thứ hai là: Nếu được giải quyết tại Tòa án, thì tùy từng trường hợp vô hiệu cụ thể, Tòa án sẽ xử lý và xem xét lỗi cụ thể của các bên để ra phán quyết phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bên nào có lỗi trong việc làm cho hợp đồng dân sự vô hiệu thì bên đó phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường thiệt hại. Trên thực tế lãi suất do ngân hàng và khách hàng vay tự thỏa thuận, nghĩa là cả ngân hàng và khách hàng đều có lỗi (lỗi hỗn hợp) nên trong trường hợp này đương nhiên ngân hàng phải chịu thiệt hại là không thu được lãi hoặc không thu đủ lãi.
2.2 Trường hợp HĐTD có điều khoản lãi suất nhỏ hơn 150% lãi suất cơ bản, nhưng lãi suất quá hạn lớn hơn 150% lãi suất cơ bản: Đây là trường hợp sẽ xảy ra khi Quyết định 16 của NHNN có hiệu lực kể từ ngày19/5/2008. Các ngân hàng sẽ phải ấn định mức lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố điều này thì đa số các ngân hàng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với điều khoản lãi suất quá hạn trong HĐTD mà các ngân hàng quy định thì vẫn có khả năng vô hiệu mặc dù lãi suất trong hạn có thể bằng hoặc thấp hơn 150% lãi suất cơ bản. Ta có thể xem xét ví dụ 2 nêu trên:
- Ngày 1/2/2009 anh A ký HĐTD với ngân hàng X vay một khoản tiền 100 triệu đồng. Trong HĐTD có điều khoản “Lãi suất trong hạn, lãi quá hạn” (như ví dụ 2). Tại thời điểm vay, mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 7%/năm. Ngân hàng X sẽ phải áp dụng mức lãi suất trong hạn cho HĐTD trên ở mức thấp hơn hoặ bằng 10,5% /năm.
- Giả sử, mức lãi suất trong hạn được áp dụng cho HĐTD là 9,5%/năm. Nếu đến hạn anh A không trả được nợ thì ngân hàng sẽ chuyển số tiền nợ gốc của anh A sang dư nợ quá hạn và tính lãi quá hạn. Trong trường hợp này lãi quá hạn theo thỏa thuận trong HĐTD là 150% lãi suất trong hạn (Ví dụ 2 về lãi quá hạn) ta sẽ có mức tính lãi quá hạn như sau: 9,5% /năm x 150% = 14,25% /năm.
Như vậy, nếu HĐTD này xảy ra tranh chấp, một trong các bên khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết thì sẽ bị Tòa án tuyên điều khoản lãi suất trong hạn, lãi suất quá hạn này vô hiệu một phần (phần tính lãi suất quá hạn).

* Nguyên nhân của hiện tượng này là do quy định của pháp luật chưa thống nhất dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa các tổ chức tín dụng, cũng như giữa người đi vay với ngân hàng về điều khoản lãi suất, lãi quá hạn trong Hợp động tín dụng. Thiết nghĩ, trong thời gian tới Nhà nước cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động tín dụng sao cho thống nhất về lãi suất, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho người đi vay cũng như người cho vay tài sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét